Phan no truoc toi ac

  

Người Kitô hữu phải biết phẫn nộ trước tội ác

Nguyễn Chính Kết 

Lời mở đầu (lý do viết bài này): Cuối năm 2000, khi thấy linh mục Nguyễn Văn Lý lên tiếng cho tự do tôn giáo, tôi cảm thấy không ủng hộ ngài thì lương tâm tôi bứt rứt khó chịu lắm. Để ngài lên tiếng một mình thì quả nguy hiểm cho ngài, tôi nghĩ phải có nhiều người lên tiếng ủng hộ ngài thì ngài đỡ bị nguy hiểm. Nhưng lên tiếng ủng hộ thì tôi sợ lắm, vì tôi rất nhút nhát, tôi sợ chế độ độc tài sẽ không để tôi yên. Vả lại, tôi còn gia đình phải bảo vệ và nuôi dưỡng nữa. 

Đầu năm 2001, khi tâm sự nỗi lòng với một người bạn, anh này bảo: «(xin trích) Sống theo lương tâm thì phải trả giá, anh Kết ơi! Nếu không chấp nhận trả giá thì anh đừng bao giờ tự hào rằng mình sống theo lương tâm nữa nhé! (hết trích)» Chỉ vì câu nói trên mà ngay chiều hôm ấy, tôi bắt đầu liều lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của linh mục Nguyễn Văn Lý, bất chấp chuyện gì xảy ra.

Nay thấy tình trạng khốn khó (đầy ẩn khuất) của linh mục Đặng Hữu Nam, người tôi rất cảm phục vì đã dám can đảm đấu tranh rất anh dũng để bênh vực những người thấp cổ bé miệng bị cường quyền đối xử bất công,  lương tâm tôi cũng buộc phải viết bài này!

Nguyễn Chính Kết
Đức Giêsu phẫn nộ trước cảnh buôn bán trong đền thờ

Kính thưa Quí Vị,

● Trước tình trạng bất công, áp bức, tội ác tràn lan trong xã hội mà tôi không cảm thấy phẫn nộ đối với những kẻ gây nên tình trạng ấy thì... tôi là hạng người gì?

● Thấy anh em của mình bị kẻ có quyền hiếp đáp bất công mà tôi không can thiệp hay lên tiếng bênh vực, thì... tôi là loại người gì?

Thiết tưởng chẳng ai lại không trả lời được.

Để trả lời cho những câu hỏi trên, năm 2020, đáp lại Thượng Hội Đồng Giám mục vùng Pan-Amazon họp tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban Tông huấn Quêriđa Amazônia.  Trong Tông Huấn, đoạn 15 có tựa đề «Cảm thấy phẫn nộ và cầu xin tha thứ», Ngài viết: 

«(xin trích) Chúng ta cần phải phẫn nộ như Môsê từng phẫn nộ (xem sách Xuất Hành 11:8), hay như Chúa Giêsu đã từng giận dữ (xem Tin Mừng Máccô 3:5), hay như Thiên Chúa đã từng nổi giận trước bất công (xem Ngôn sứ Amốt 2:4-8; 5:7-12; Thánh vịnh 106:40). Quả là không tốt khi chúng ta trở nên quen thuộc với cái ác; quả là không tốt khi ý thức xã hội của chúng ta bị mờ nhạt trước “tình trạng bóc lột đang để lại sự hủy hoại và thậm chí chết chóc trên khắp khu vực của chúng ta... nó gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng triệu con người và đặc biệt là môi trường sống của nông dân và người dân bản địa” (hết trích)».

Vậy thì trước những bất công và tội ác tràn lan trong xã hội Việt Nam hiện nay, cụ thể và điển hình như vụ đại tham nhũng Việt Á xảy ra trong mùa đại dịch vừa qua, đã cướp tiền và gây chết oan biết bao người dân vô tội; hay như vụ Formosa năm 2016 gây cá chết hàng loạt khiến người dân khắp 4 tỉnh Miền Trung phải điêu đứng khốn khổ, mà khốn thay, nhà cầm quyền lại đứng về phía kẻ gây tội ác; hay như hàng ngàn gia đình người dân Thủ Thiêm bị cướp đất cách bất công suốt mấy thập niên vừa qua; hay như vụ mới đây, nhà cầm quyền CSVN đã sai hàng ngàn công an đến đàn áp, đánh đập dã man người dân Bình Thuận, Nghệ An biểu tình bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình... Chẳng lẽ những người còn lương tri lại vô cảm làm như không có chuyện gì xảy ra?

Trước tình trạng xuống cấp về đạo đức với vô số những hành vi bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực nơi công cộng…; trước các tệ nạn xã hội phổ biến như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, tống tiền, cướp của, giết người…; trước tình trạng đạo đức trong nghề nghiệp bị sa sút trầm trọng cả trong những lĩnh vực vốn được xã hội tôn vinh như y tế, giáo dục, luật pháp, báo chí…; trước lãnh vực Giáo dục mấy thập niên qua thường xuất hiện thói gian lận thi cử, mua bằng bán chức, hối lộ thầy giáo bằng việc bán dâm…; trước thói dối trá, đạo đức giả, bất chính, thủ đoạn, các hình thức chạy chức, chạy danh, chạy quyền, chạy lợi, chạy tội trở nên thường tình trong cả dân chúng lẫn các cơ quan công quyền… Trước tình trạng đạo đức xuống cấp như thế trong xã hội, chẳng lẽ những bậc lãnh đạo tôn giáo lại có thể vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm để không có phản ứng nào thích hợp sao?

Theo tinh thần Tông huấn Quêriđa Amazônia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trên, thì người sống đạo đức Kitô giáo, nhất là những người rao giảng đạo đức ấy phải biết biểu lộ phẫn nộ, ít nhất bằng những lời nói hay việc làm cụ thể, chứ không thể tỏ ra vô cảm, vô trách nhiệm làm như mọi sự vẫn đang luôn luôn tốt đẹp.

Lương tâm tôi cảm thấy cảm phục và phải ca tụng những người dân dù thấp cổ bé miệng nhưng vẫn dám biểu lộ sự phẫn nộ bằng lời nói, bằng hành động trước những tội ác, bất công lan tràn trong xã hội, bất chấp bị cường quyền khủng bố vì sự biểu lộ phẫn nộ ấy. Thật đáng cảm phục những Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Trung Tôn, những Hoàng Đức Bình, Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Hóa, đặc biệt gia đình Cấn Thị Thêu, v.v...

Là người có tôn giáo, tôi cũng rất cảm phục những vị lãnh đạo tôn giáo dám nói lên tiếng nói lương tâm, không chấp nhận làm những «con chó câm», từ ngữ mà Cựu Giáo Hoàng Bênêđích 16 dùng để gọi những vị Giám mục chấp nhận câm lặng trước những bất công xã hội. Thật đáng phục những vị lãnh đạo tôn giáo từng biểu lộ sự phẫn nộ trước những tội ác và bất công xã hội, trước nhân quyền bị chà đạp, tôn giáo bị đàn áp, như Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Không Tánh, Linh mục Phan Văn Lợi, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Chánh Trị Sự Hứa Phi, hay nhiều vị linh mục dòng Chúa Cứu Thế như Phêrô Nguyễn Văn Khải, Linh mục Nguyễn Trung Thành, Đinh Hữu Thoại, Nguyễn Ngọc Nam Phong, v.v... 

Gần đây nhất, một vị lãnh đạo tôn giáo mà tôi rất cảm phục, đó là Linh mục Đặng Hữu Nam đã cùng với Linh mục Nguyễn Đình Thục và rất nhiều người dân, kiên cường đấu tranh cho người dân 4 tỉnh Miền Trung, nạn nhân của Công ty Formosa trong vụ cá chết hàng loạt, khiến người dân tại đây trở nên vô cùng khốn khổ, bất chấp bị bạo quyền hành hung, gây khốn khổ đủ điều. Hai linh mục trên cũng đã biểu lộ sự phẫn nộ trước tội ác và bất công xã hội qua đủ mọi phương tiện truyền thông, kể cả qua những bài giảng trong thánh lễ. Cuộc đấu tranh của hai vị, theo tôi nghĩ, đó chính là thánh lễ bằng cuộc sống, nối dài thánh lễ mà hai vị đã dâng ban sáng mỗi ngày. Đó chính là ý nghĩa lời cuối cùng của các linh mục khi kết thúc thánh lễ: «Ite, missa est» (đọc là I-tê, mís-sa est) mà tôi thích cách dịch sát là «Hãy ra đi, đó chính là thánh lễ» (Tiếng Anh là Go, it is the Mass). Tôi thường hiểu câu ấy là: việc ra đi để đem đạo vào đời cũng chính là thánh lễ. Thánh lễ này được thực hiện bằng chính đời sống thực tế, nó tiếp nối và cụ thể hoá bằng hy sinh thật sự thánh lễ mang tính bí tích, nghĩa là mang tính tượng trưng hay biểu tượng, mà các Kitô hữu đã dâng trước đó trong thánh đường.

Nhiều người cho rằng việc lên tiếng trong bài giảng của thánh lễ để bênh vực những người dân bị áp bức, chống lại những kẻ gây tội ác là không đúng, không được phép. Tôi xin hỏi những người này rằng: 

● Tại sao lại không được nói trong bài giảng của thánh lễ những điều mà lương tâm và chức vụ ngôn sứ của linh mục đòi buộc phải làm? 

● Mục đích của việc tấn phong linh mục hay giám mục là để làm gì? Chẳng lẽ trong hội đường Do Thái, Đức Giêsu trưng dẫn lời ngôn sứ Isaia chương 61 câu 1 là không đúng sao? Khi ấy Ngài đọc: «(xin trích) Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã XỨC DẦU TẤN PHONG  tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi CÔNG BỐ cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, TRẢ LẠI TỰ DO cho người bị áp bức, CÔNG BỐ một năm hồng ân của Chúa.(hết trích)» (Luca 4:18-19).

Rõ ràng theo Thánh Kinh thì việc xức dầu tấn phong một ai làm ngôn sứ, đâu phải chỉ là để người ấy loan báo Tin Mừng mà thôi, mà còn để người được tấn phong giúp kẻ bị giam cầm bất công được tha, cho người mù thể chất hay tinh thần được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức… Nhiều vị được tấn phong làm ngôn sứ thời nay dường như đã quên hẳn mấy bổn phận quan trọng nhất trong chức năng ngôn sứ mà mình đã lãnh nhận khi lãnh chức linh mục rồi! Nếu làm ngôn sứ chỉ để loan báo Tin Mừng mà thôi, thì tại sao các ngôn sứ thật lại bị người đời bạc đãi, như Đức Giêsu từng xác định? (xem Mátthêu 5:12b; 23:34-35). Chắc chắn là vì các vị đã lên tiếng tố cáo những sai trái hay tội lỗi của dân chúng và cả những kẻ đang nắm quyền, dù là thế quyền hay giáo quyền. Cái chết của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu là những minh chứng cụ thể. 

Tôi lấy làm lạ, thậm chí rất lạ, đó là Đức Giêsu được gọi là «Đấng Cứu Thế», thế mà những người mang danh là môn đệ của Ngài, đã nguyện theo chân Ngài, coi Ngài là mẫu gương để noi theo cả đời, lại chẳng được bao nhiêu vị có tinh thần «Cứu Thế» thật sự. Trái lại, điều mà họ chú trọng nhất lại chỉ là những nghi thức tôn giáo, mà đọc suốt 4 sách Tin Mừng và các sách khác của Tân Ước, tôi không hề thấy Đức Giêsu và các vị viết Thánh Kinh có chỗ nào đề cao hay coi trọng các nghi thức tôn giáo cả. Chính Đức Giêsu từng nói: «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mátthêu 9:13). Qua câu này, những người rao giảng Tin Mừng lẽ ra phải nhận ra Thiên Chúa, hay Đức Giêsu coi trọng cái nào hơn cái nào chứ! Đọc kỹ Thánh Kinh, tôi có cảm tưởng như nhiều Kitô hữu, kể cả nhiều vị lãnh đạo, đã bị lạc đạo trong quan niệm và trong thực hành.

Nghi thức tôn giáo mà Đức Giêsu thực hiện trong cuộc đời của Ngài, chính là cuộc tử nạn trên thập giá chỉ vì «yêu thương nhân loại đến cùng» (Gioan 13:1b). Chính vì yêu thương nhân loại như thế, Ngài đã từ bỏ chức vị Thiên Chúa vô cùng cao sang để sinh xuống làm người thấp hèn, hầu chia sẻ thân phận con người, hầu trải nghiệm thực tế những đau khổ, yếu đuối của họ để thông cảm và tha thứ cho họ. Cuối cùng Ngài đã chết đau khổ và nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc con người. Chính việc chết vì yêu thương con người ấy là nghi thức tôn giáo đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và được Giáo Hội coi là hy tế hay nghi thức tôn giáo quan trọng nhất. Nghi thức ấy được thực hiện trong đời thực với sự hy sinh cụ thể, chứ đâu chỉ là những biểu tượng mà thực hiện thì chẳng cần một chút hy sinh! Trong khi bản chất của mọi hy tế đều đòi hỏi phải có hy sinh, không có hy sinh thì không thể gọi là hy tế được!

Nghi thức tôn giáo đầu tiên của Tân Ước ấy được Đức Giêsu cử hành một cách tượng trưng trong bữa tiệc ly khi Ngài cầm lấy bánh và rượu rồi nói: «(xin trích) Đây là thân thể Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn» và «Đây là chén máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội» (Mátthêu 26:26-28, Máccô 14:22-25). Ngài còn nhắc nhở: «Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (hết trích)» (xem Luca 22:19-20).

Điều tôi lấy làm lạ, đó là cách nhiều người hiểu câu «Anh em hãy LÀM VIỆC NÀY mà nhớ đến Thầy». Trong bữa tiệc, Ngài đã thực hiện một số hành động tượng trưng cho lễ tế hy sinh mà Ngài sẽ thật sự thực hiện, bắt đầu ngay đêm hôm ấy. Nhưng những môn đệ theo Ngài những thế kỷ sau này chủ yếu chỉ hiểu câu ấy và thực hiện câu ấy bằng cách lập lại một cách hình thức những gì Ngài đã làm một cách tượng trưng trong bữa tiệc ly hôm ấy, rồi coi đó là nghi thức tôn giáo quan trọng nhất, mà không hiểu câu ấy theo nghĩa tâm linh. Nghĩa là phải thực hiện câu ấy bằng tinh thần «tự hiến tế trong đời sống», sẵn sàng «bị ăn», «bị nộp» và «đổ máu ra» để cứu mọi người, như Ngài đã thật sự làm qua cái chết của Ngài trên thập giá. Lập lại những nghi thức tượng trưng ấy cũng là điều tốt, nhưng thực hiện tinh thần «tự hiến tế trong đời sống» như Ngài đã làm mới chính là ý nghĩa đích thực của câu nói ấy.

Theo tinh thần của câu Tin Mừng «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mátthêu 9:13), thì tôi nghĩ câu «Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy», Đức Giêsu nói câu ấy với ý nghĩa tâm linh và tinh thần, chứ không phải với ý nghĩa hình thức và máy móc như nhiều người đã hiểu. Tân Ước tiến bộ hơn Cựu Ước ở chỗ đặt nặng tâm linh hơn hình thức, bề trong hơn bề ngoài, nên không thể hiểu câu trên theo nghĩa hình thức được. Tôi rất phục cách Linh mục Antoine Chevrier, người sáng lập Hội Các Linh Mục Prado, đã hiểu theo nghĩa tâm linh câu nói trên của Chúa Giêsu. Cha nói: «Linh mục là người bị ăn. (Linh mục) phải trở nên thứ bánh ngon». Trở nên «bánh» để «bị ăn», và trở nên «rượu» để «bị uống» theo nghĩa của cha Chevrier, tôi nghĩ như thế mới là thực hiện đúng nghĩa nhất câu của Đức Giêsu: «Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy».

Linh mục Antoine Chevrier, tu hội Prado

Vậy thì khi một linh mục dùng bài giảng trong thánh lễ để lên tiếng bênh vực những người đau khổ theo tinh thần của sách Châm Ngôn trong câu «(xin trích) Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ (hết trích)» (Sách Châm Ngôn 31,8-9), tôi nghĩ đó là một việc làm rất đúng của một ngôn sứ đích thật. Mục đích của bài giảng trong thánh lễ là để làm gì? là để giúp người tham dự hiểu Tin Mừng, nhất là hiểu để sống hay để thực hiện được điều cốt yếu nhất của Tin Mừng là tình yêu thương đồng loại, dám chấp nhận «bị ăn», «bị nộp», «bị đổ máu», nghĩa là dám hy sinh, đau khổ một cách cụ thể để thực hiện tình yêu thương ấy. Điều đó tốt hơn là chỉ đọc và giải thích lời Chúa, mà không đưa ra một mẫu gương hy sinh cụ thể nào của chính mình hầu người nghe có thể noi gương bắt chước.

Nghĩ như thế, tôi cho rằng Linh mục Đặng Hữu Nam không có gì sai trái khi trình bày trong bài giảng của mình những bất công xã hội, hay vạch ra những sai trái của nhà cầm quyền, hầu bênh vực những người thấp cổ bé miệng đang chịu những uất ức, đau khổ do chế độ bất công gây nên. Đức Giêsu thường tự đồng hoá chính Ngài với những người «thấp cổ bé miệng» ấy (xem Matthêu 25:40 và 45). Vì thế, bênh vực những người «thấp cổ bé miệng» ấy chính là bênh vực hiện thân của Đức Giêsu đấy! Chẳng lẽ làm những điều tốt đẹp ấy cho những hiện thân của Đức Giêsu trong các bài giảng lại là sai trái sao? là làm mất lòng Thiên Chúa sao? 

Trái lại, tôi nghĩ không có môi trường nào thích hợp hơn để thực hiện sứ mạng ngôn sứ của linh mục bằng những bài giảng trong nhà thờ, hay khi dạy giáo lý, nhất là trong cái chế độ độc tài luôn tìm đủ mọi cách ngăn chặn tất cả những thông tin đúng đắn nhưng bất lợi cho họ. Những ai tự nhận mình là ngôn sứ, hãy thực hiện chức năng ngôn sứ của mình, đừng mang danh ngôn sứ để được mọi người kính trọng, ưu đãi, nhưng trong thực tế thì lại hành động như những ngôn sứ giả. 

(Là người tương đối nhút nhát, tôi rất thông cảm với những ai cảm thấy phẫn nộ trước tội ác của cường quyền, nhưng cảm thấy không đủ dũng khí để biểu lộ sự phẫn nộ ấy vì sợ bị cường quyền khủng bố, họ không đáng trách. Chỉ những kẻ hùa theo cường quyền để lên án, xúc phạm, chụp mũ những người dũng khí hơn mình, dám làm những gì lương tâm đòi buộc, mới là những kẻ đáng trách. Họ chẳng những… hèn, mà còn thiếu cả lương tri).

Đức Giêsu đã báo trước rằng, vào thời mạt pháp, tức thời cuối cùng trước khi Ngài trở lại, sẽ xuất hiện nhiều ngôn sứ giả. Ngài nói: thời ấy, «(xin trích) sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát (hết trích)» (Mátthêu 24,11-13). Hiện nay chính là thời mạt pháp, điều Ngài tiên báo ấy đang xảy ra trước mắt mọi người, trong xã hội và trong cả các tôn giáo.

Nhưng làm sao phân biệt được ngôn sứ nào là thật và ngôn sứ nào là giả? Quả thật, Thánh Phaolô cũng phải công nhận việc phân biệt ấy thật khó, thậm chí rất khó, vì ngài viết: «(xin trích) chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!» và «có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó (tức Xatan) lại đội lốt người phục vụ sự công chính (hết trích)» (thư thứ 2 Côrintô 11:14-15). Trong cuộc sống thực tế hiện nay, khi mua hàng, quả thật phân biệt được hàng thật và hàng giả không dễ chút nào. Hàng giả nhiều khi còn «có vẻ thật» hơn cả hàng thật nữa. Phải bị lầm nhiều lần mới rút được kinh nghiệm để phân biệt.

Trở lại vấn đề phân biệt các ngôn sứ, Đức Giêsu đã đưa ra một số nguyên tắc hay tiêu chuẩn: «(xin trích) Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai (hết trích)» (Mátthêu 7:15-20). Ngài cũng đưa ra tiêu chuẩn để phân biệt giữa mục tử và người chăn thuê: «(xin trích) Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Kẻ chăn thuê, vì không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên (hết trích)»  (Gioan 10:11-13).

Thiết tưởng với những tiêu chuẩn trên của Đức Giêsu, người thông minh và biết nhận xét một chút cũng có thể phân biệt được thật giả. Nói chung, một cách tổng quát, ngôn sứ thật thời nào cũng bị người đồng thời –có thể là chính quyền, giáo quyền, người đồng đạo, người khác đạo– hiểu lầm, vu khống, chụp mũ, bách hại, ném đá, đưa ra tòa, hành hung, truy nã; thời xưa, nhiều ngôn sứ còn bị đưa lên giàn hỏa, đóng đinh thập giá, v.v… Số phận của các ngôn sứ thật đều bị như thế cả, như lời Đức Giêsu đã nói cách đây 2000 năm (xem Mátthêu 5:12b; 23:34-35). Còn ngôn sứ giả thì thường được người đồng thời, nhất là thế quyền, ưu đãi (xem Luca 6:22-23 và 26), vì họ thường đứng về phía kẻ có thể ban phát quyền và lợi cho họ .

Vì thế, hỡi những người đã chấp nhận làm ngôn sứ đích thật, hãy vui vẻ chấp nhận luôn cách người đồng thời đối xử với mình, đừng buồn tủi làm gì!  Đức Giêsu đã chẳng báo trước điều ấy sao? Ngài nói: «Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi» (Matthêu 10:24-25).

Nguyễn Chính Kết

Comments

Popular posts from this blog

Danh sách GHHV theo ABC

Thời gian không bao giờ quay trở lại.

Một con chó biết tự tử